KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT
Bao tử (còn gọi là dạ dày) là một phần rất quan trọng trong hệ tiêu hóa. Bao tử có hình chữ J, nằm trong bụng trên, phía bên trái, dưới hoành cách mô.
Thức ăn được nuốt từ miệng, đi xuyên qua thực quản, rồi qua ngỏ tâm vị vào bao tử.
Bao tử là nơi tạm thời chứa thức ăn, nhờ các cơ của bao tử co bóp, nhào trộn với dịch vị (chứa axit hydrochloric và các enzyme tiêu hóa) để nghiền thức ăn thành một hỗn hợp bán lỏng gọi là dưỡng trấp hay dưỡng chấp. (Trấp hay chấp có nghĩa là nhựa, chất lỏng.)
Dưỡng trấp sau đó đi qua ngỏ môn vị vào tá tràng, khúc đầu của ruột non.
Tại ruột non, hầu hết các chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu để nuôi dưỡng cơ thể.
Phần thức ăn chưa tiêu hóa di chuyển vào ruột già để tiếp tục tiến trình tiêu hóa, hấp thụ và cuối cùng là đào thải.
CẤU TẠO
Bao tử là một cơ quan có hệ thống liên kết phức tạp và chắc chắn.
Từ trong ra ngoài, bao tử có 4 lớp chính:
1. Lớp niêm mạc:Lớp này lót mặt trong cùng của bao tử, chứa các tuyến bao tử để tiết ra các chất tiêu hóa như axit bao tử và enzyme, chất nhầy bảo vệ, và một số hormone. Lớp này cũng tham gia một phần nhỏ vào việc hấp thu (phần lớn việc hấp thu diễn ra ở ruột non).
2. Lớp dưới niêm mạc:
Lớp này bao gồm mô liên kết, mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh, có chức năng hỗ trợ lớp niêm mạc, cung cấp dinh dưỡng và kết nối với các cơ quan khác.
3. Lớp cơ vỏ ngoài:
Lớp cơ này chịu trách nhiệm cho việc tiêu hóa cơ học và chuyển động của bao tử. Lớp này gồm ba lớp cơ, với các sợi cơ sắp xếp theo hướng khác nhau:
- Lớp cơ chéo trong: Lớp cơ này chỉ có ở bao tử, giúp xay trộn thức ăn với dịch tiêu hóa để tăng hiệu quả nghiền nát.
- Lớp cơ vòng giữa: Các cơ trong lớp này tạo thành các vòng quanh bao tử. Gần môn vị, các cơ này dày lên để hình thành cơ vòng môn vị, điều chỉnh lượng thức ăn từ bao tử xuống ruột non.
- Lớp cơ dọc ngoài: Các cơ này chạy theo chiều dài của bao tử. Khi co thắt, chúng giúp đẩy thức ăn về phía môn vị.
Ba lớp cơ phối hợp nhịp nhàng để trộn thức ăn với dịch vị, đồng thời đẩy thức ăn từ từ xuống ruột non, hỗ trợ tiêu hóa và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
4. Lớp thanh mạc:
Lớp bên ngoài cùng là một màng bao phủ bao tử, cho bao tử có một bề mặt mịn và giúp giảm ma sát với các cơ quan xung quanh, tạo điều kiện cho bao tử di chuyển linh hoạt trong ổ bụng.
CHỨC NĂNG
Bao tử có ba chức năng chính:
- Tạm thời chứa thức ăn.
- Co bóp, nghiền nát và nhào trộn thức ăn với dịch vị.
- Tiêu hóa thức ăn thành một chất bán lỏng gọi là dưỡng trấp, chuẩn bị cho việc hấp thu dinh dưỡng tiếp theo ở ruột non.
VÀI BỆNH BAO TỬ THƯỜNG GẶP & TRIỆU CHỨNG
Đau rát, viêm loét bao tử: Bệnh loét bao tử xảy ra khi có những vết loét hở trên lớp niêm mạc, thường do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc sử dụng lâu dài thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin hoặc ibuprofen.
Vi khuẩn H. pylori làm suy yếu lớp niêm mạc bảo vệ bao tử, khiến bao tử dễ bị tổn thương bởi axit bao tử; còn nhóm thuốc NSAID có thể gây kích ứng hoặc làm tổn hại niêm mạc.
Triệu chứng bao gồm đau, nóng, rát vùng bao tử, đầy hơi, buồn nôn, có thể nôn mửa hoặc đi ngoài ra máu.
Trong một số trường hợp, bệnh loét bao tử có thể không có triệu chứng.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi axit dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản, gây kích ứng và có thể làm tổn thương lớp niêm mạc thực quản, khiến bệnh nhân có cảm giác rất khó chịu. Nếu kéo dài, không được điều trị, có thể gây viêm thực quản và loét thực quản.
GERD cũng có thể gây ra các biến chứng khác, như hẹp thực quản, vấn đề răng miệng do tiếp xúc với axit, và các vấn đề hô hấp như ho kinh niên.
Xuất huyết bao tử: Xuất huyết bao tử có thể từ từ, mạn tính đến nhanh, cấp tính. Tùy mức độ nặng nhẹ, bệnh nhân có thể bị ói ra máu, đi ngoài phân màu đen hoặc có máu đỏ. Các dấu hiệu khác bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, khó thở, đau bụng. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm viêm loét dạ dày tá tràng (nguyên nhân thường gặp nhất), viêm niêm mạc dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản, khối u và tác dụng phụ của thuốc, nhất là NSAID có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Nếu để bệnh dài lâu không chữa trị, xuất huyết bao tử có thể dẫn đến các biến chứng như thiếu máu, sốc, hoặc nguy hiểm đến tính mạng, do đó cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Ung thư bao tử: Đây là bệnh nặng nhất trong các loại bệnh bao tử. Sự sinh sản của các tế bào trong bao tử bị rối loạn, thường bắt đầu từ niêm mạc và phát triển trong nhiều năm, từ từ lan rộng khắp bao tử và có thể lan xa hơn nữa. Sự phát triển dần dần này là một lý do khiến ung thư bao tử thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Ung thư bao tử gồm các triệu chứng như đau bụng dai dẳng, chướng bụng, chán ăn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, sụt cân rất nhanh. Ung thư bao tử giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc chỉ khiến bệnh nhân hơi khó chịu.
VÀI NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU BAO TỬ
1. Thường xuyên bị căng thẳng.
Người làm việc quá sức, hoặc bị căng thẳng dài lâu, dễ bị đau bao tử. Căng thẳng (stress) không trực tiếp gây viêm loét bao tử (thường là do vi khuẩn H. pylori hoặc uống thuốc giảm đau một thời gian lâu), nhưng có thể làm cho bệnh tình nặng hơn.
Căng thẳng nhiều cũng làm con người mệt mỏi, đầy hơi, chán ăn, có khi táo bón hoặc tiêu chảy. Nếu không tìm cách giải quyết căng thẳng, có thể dẫn đến các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng hơn.
2. Uống nhiều rượu, bia.
Uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương niêm mạc bao tử, khiến bao tử bị đỏ, đau, sưng. Rượu không trực tiếp gây loét bao tử, nhưng có thể làm các vết loét nặng hơn, lâu lành hơn.
Uống rượu nhiều, lâu ngày, có thể khiến bao tử yếu, chảy máu, tăng axit, kích ứng và viêm trầm trọng hơn.
3. Uống quá nhiều thuốc.
Việc sử dụng quá nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau như aspirin và ibuprofen (NSAID), có thể gây hại cho bao tử. Các loại thuốc này giảm lượng prostaglandin, là axit béo giúp bảo vệ niêm mạc bao tử bằng cách giảm axit và tăng chất nhầy. Khi không có đủ prostaglandin, thành bao tử có thể bị viêm, loét, mà không có triệu chứng.
Dài lâu có thể làm xuất huyết bao tử và nguy hiểm đến tính mạng, nhất là người lớn tuổi hoặc những ai đã có vấn đề về bao tử.
4. Ăn uống không lành mạnh.
Những thói quen như ăn uống thất thường, không đúng giờ, ăn thức ăn sống (không nấu chín), ăn thức ăn không hợp vệ sinh, để quá đói, ăn quá no, ăn thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng... tất cả đều làm tổn thương niêm mạc bao tử, làm đau bao tử. Lo lắng, căng thẳng khi ăn, ăn vội, hoặc vừa ăn vừa làm việc khác cũng có thể gây khó tiêu. Những thói quen này nếu kéo dài sẽ tăng nguy cơ viêm dạ dày.
BAO TỬ TRONG ĐÔNG Y
Theo Đông y, trong Ngũ Hành cặp dương-âm Tỳ-Vị (Lá Lách/Tuyến Tụy - Bao Tử) thuộc hành Thổ.
Trong Thập Nhị Kỳ Kinh, Vị (Bao Tử) nằm trên Túc Thái Minh Vị Kinh (còn gọi là Túc Dương Minh Vị Kinh).
Kinh mạch này chạy từ những huyệt trên đầu, chạy xuyên qua thân người và chạy dọc xuống bên ngoài chân, xuống tới ngón chân trỏ (kế ngón chân cái).
Do vậy, ngoài việc tập toàn thân, nếu cần giúp cho bao tử thì nên chú ý thêm về phần bụng, chân và bàn chân.
NHỮNG THÓI QUEN TỐT CHO SỨC KHỎE BAO TỬ
Để bảo vệ và giúp bao tử khỏe mạnh, chúng ta nên:
1. Ăn uống lành mạnh, đa dạng rau củ quả.
2. Khi ăn không nên suy nghĩ âu lo; tập trung ăn, không nên vừa ăn vừa làm những việc khác.
3. Ăn chín, uống nước sạch, hợp vệ sinh.
4. Tránh hoặc bớt thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, quá cay, quá nóng, quá chua (nhiều axit).
5. Ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, không nuốt vội.
6. Không để quá đói, cũng không ăn quá no.
7. Tránh làm việc nặng ngay sau bữa ăn.
8. Không ăn no ngay trước khi đi ngủ (tốt hơn nên cách giấc ngủ 3 tiếng).
9. Không để quá ốm, cũng không để lố cân, béo phì.
10. Không nên tùy tiện dùng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm. Nên theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế thực thụ.
11. Không uống rượu, bia.
12. Không hút thuốc.
13. Không làm việc quá sức, quá nặng, quá căng thẳng.
14. Không thức quá khuya. Nếu vì công việc phải thức khuya thì ít nhất phải ngủ nghỉ đầy đủ.
15. Thường xuyên tập thể dục, tập khí công đúng, đều, đủ.
16. Tập buông xả, bớt giận hờn, thêm thông cảm, yêu thương.
17. Tránh phiền não, giảm căng thẳng; sống vui vẻ, lạc quan.
- Đông y sĩ Lý Bình Sơn, USA